Bốn đứa trẻ sống sót sau 17 ngày máy bay rơi trong rừng Amazon

Lực lượng cứu hộ tìm thấy 4 em nhỏ mất tích 17 ngày sau vụ tai nạn máy bay trong rừng Amazon, thuộc lãnh thổ Colombia.


Binh sĩ Colombia tham gia tìm kiếm cùng chó nghiệp vụ.

Ngày 1/5, chiếc máy bay Cessna 206 chở 7 người gặp nạn trên hành trình từ Araracuara đến San Jose del Guaviare, thành phố trong khu vực rừng Amazon của Colombia. Thi thể ba người lớn, trong đó có phi công, được tìm thấy tại hiện trường.

Điều tra cho thấy 4 đứa trẻ trong độ tuổi 4, 9, 13 và một em bé 11 tháng tuổi thuộc cộng đồng thổ dân Huitoto sống sót qua vụ rơi máy bay và đã vào rừng để tìm kiếm sự giúp đỡ. Giới chức lập tức mở "Chiến dịch Hy vọng", triển khai hơn 100 binh lính, ba trực thăng cùng chó nghiệp vụ, tiến hành tìm kiếm.


Đống đổ nát của chiếc máy bay.

"Sau nỗ lực tìm kiếm không ngừng nghỉ, quân đội đã tìm thấy 4 đứa trẻ mất tích sau vụ tai nạn máy bay ở Guaviare", Tổng thống Colombia Gustavo Petro ngày 17/5 thông báo trên Twitter, nói đây là "một niềm vui cho đất nước".

Khu vực 4 đứa trẻ bị lạc không có đường cao tốc, cũng rất khó tiếp cận bằng đường sông. Những gốc cây khổng lồ cao tới 40 mét cùng động vật hoang dã và mưa lớn cũng khiến chiến dịch gặp nhiều khó khăn.

Một trong ba trực thăng cứu hộ trang bị loa phóng thanh, hoạt động trong phạm vi 1.500 mét, phát ra những thông điệp do bà của 4 đứa trẻ ghi âm bằng tiếng bản địa, lưu ý chúng "ngừng di chuyển trong rừng để chờ giải cứu".


Bình sữa được tìm thấy trong rừng.

Nỗ lực tìm kiếm được tăng cường sau khi lực lượng cứu hộ phát hiện một lán trú ẩn, được cho là do 4 đứa trẻ dùng kéo, dây buộc tóc và cành cây dựng tạm. Trước đó, họ tìm thấy một bình sữa cho trẻ sơ sinh và quả dại ăn dở.

4 đứa trẻ được tìm thấy "có sức khỏe ổn định, dù chịu một số vết trầy xước" sau 17 ngày lang thang trong rừng.


Một món đồ được tìm thấy trong rừng.

Giới chức chưa công bố nguyên nhân vụ tai nạn. Phi công đã phát tín hiệu gặp vấn đề về động cơ máy bay vài phút trước khi gặp nạn. Người Colombia ở khu vực này thường di chuyển bằng các chuyến bay riêng, do giao thông hạn chế.

Theo Tổ chức Bản địa Colombia (ONIC), người Huitoto sống thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của rừng Amazon và bảo tồn các truyền thống săn bắn, hái lượm.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn