Phát hiện hố thiên thạch rộng 220 m trong vườn nho

Nghiên cứu mới xác nhận miệng hố khổng lồ trong nhà máy rượu vang Domaine du Météore được tạo nên bởi va chạm thiên thạch cách đây 10.000 năm.


Hố thiên thạch tại vườn nho của nhà máy rượu vang Domaine du Météore. Ảnh: Frank Brenker


Tọa lạc gần thị trấn Béziers ở miền nam nước Pháp, nhà máy rượu vang nho Domaine du Météore từng là chủ đề gây tranh cãi cách đây 7 thập kỷ. Một trong những vườn nho của nó nằm trong miệng hố hình tròn khổng lồ có đường kính khoảng 220 m và sâu 30 m.

Vào những năm 1950, chủ sở hữu của nhà máy đề xuất giả thuyết rằng miệng hố được tạo ra bởi một vụ va chạm thiên thạch, đó là lý do nó có tên là Domaine du Météore (nghĩa là miền sao băng). Tuy nhiên, các nhà khoa học nổi tiếng vào thời điểm đó đã nhanh chóng bác bỏ giả thuyết này và cho rằng đây chỉ là một chiêu trò để tiếp thị rượu vang.

Cái tên Domaine du Météore sau đó bị lãng quên và chưa bao giờ được kiểm tra kỹ hơn từ góc độ địa chất, cho đến nghiên cứu mới đây của Giáo sư Frank Brenker, nhà địa chất và vũ trụ học từ Đại học Goethe Frankfurt ở Đức.

Bằng phương pháp phân tích đá và đất, nhóm của Brenker đã xác nhận rằng miệng hố khổng lồ ở Domaine du Météore thực sự được tạo nên bởi một tác động va chạm thiên thạch cách đây khoảng 10.000 năm.

"Phân tích vi mô cho thấy những lớp màu tối ở một trong các phiến đá (thường có tỷ lệ mica lớn hơn) là các khoáng mạch hình thành do quá trình mài và nứt đá, gây ra bởi tác động va chạm của thiên thạch", Brenker giải thích trong một tuyên bố hôm 23/2. Ông cũng phát hiện bằng chứng về breccia (dăm kết), loại đá có góc cạnh hình thành từ các mảnh vỡ và được kết dính với nhau bằng vật liệu hạt mịn. Chúng cũng có thể là kết quả của một vụ va chạm thiên thạch.

Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy các khối cầu oxit sắt cực nhỏ trong miệng hố. Theo phân tích trong phòng thí nghiệm, chúng chứa sắt mang niken và lõi khoáng chất thường thấy trong các miệng hố va chạm. Ngoài ra, nhiều viên kim cương siêu nhỏ được tạo ra nhờ áp suất cao trong quá trình va chạm của thiên thạch cũng được phát hiện.


Khối cầu oxit sắt tí hon được tìm thấy trong miệng hố. Ảnh: Frank Brenker


"Các khối cầu như vậy hình thành thông qua sự mài mòn của thiên thạch trong khí quyển, hoặc khi phần lớn thiên thạch sắt tan chảy và sau đó phản ứng với oxy trong không khí", Brenker nói thêm.

Nhóm của Brenker đã đo từ trường trong miệng hố và nhận thấy nó yếu hơn một chút so với khu vực xung quanh. Đây là đặc điểm điển hình của các hố thiên thạch vì va chạm có thể làm vỡ hoặc tan chảy đá.

"Từ trường thấp hơn cùng với các phát hiện địa chất và khoáng vật học khác dẫn đến kết luận khó có thể khác là một thiên thạch thực sự đã đâm xuống đây", Brenker nhấn mạnh.

Nghiên cứu đã được trình bày tại Hội nghị Khoa học Mặt trăng và Hành tinh lần thứ 54 năm 2023.



Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn