Loài mèo túi không ngủ để tìm bạn tình nên chết sớm

Nhu cầu ghép đôi và sinh sản thúc đẩy mèo túi đực không ngủ, nghỉ để tìm con cái, do đó tuổi thọ của chúng chỉ kéo dài khoảng một năm.

Mèo túi ở trên một thân cây. Ảnh: iStock​

Mèo túi phía bắc đực chú trọng giao phối hơn ngủ, điều đó có thể khiến chúng chết nhanh hơn 4 lần so với con cái cùng loài, theo nghiên cứu của Đại học Sunshine Coast ở Australia và Đại học Queensland công bố trên tạp chí Royal Society Open Science hôm 1/2. Có vẻ như động lực này mạnh đến mức chúng bỏ qua việc ngủ để dành nhiều thời gian hơn tìm kiếm con cái, nhà sinh lý học môi trường Christofer Clemente ở Đại học Sunshine Coast, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Mèo túi phía bắc là loài thú có túi nguy cấp lớn cỡ mèo nhà. Chúng là loài nhỏ nhất trong số 4 loài mèo túi Australia với chiều dài cơ thể tối đa khoảng 38 cm. Những họ hàng nổi tiếng của mèo túi là chuột túi kangaroo, gấu koala và gấu túi mũi trần. Số lượng loài này đang giảm trong những thập kỷ gần đây do nhiều nguyên nhân, bao gồm mèo hoang, cho dingo và cáo săn bắt, môi trường sống bị phá hủy do cháy rừng và phát quang đất để chăn nuôi gia súc, nhiễm độc từ cóc mía xâm hại. Mèo túi phía bắc cái có thể sống 4 năm trong khi con đực thường chỉ sống tới một tuổi.

Trong 42 ngày, nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu về chuyển động của mèo túi trên đảo Groote Eylandt, hòn đảo ngoài khơi bang Northern Territory, Australia. Họ nhận thấy con đực dành ít thời gian để ngủ hơn con cái và di chuyển quãng đường dài hơn. Một số con mèo túi đực đi xa tới 10,5 km trong một đêm để tìm kiếm bạn tình ghép đôi. Điều chỉnh theo chiều dài sải chân, con số đó tương đương quãng đường khoảng 40 km mỗi đêm đối với con người. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Joshua Gaschk ở Đại học Sunshine Coast, hai con mèo túi đực tên Moimoi và Cayless lần lượt đi 10,4 và 9,4 km trong một đêm.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy con đực chỉ dành 7% thời gian để nghỉ ngơi trong khi con cái dành 24% thời gian. Do thiếu ngủ, chúng thường giảm cân, trở nên hung dữ hơn, chịu rủi ro cao hơn và dễ nhiễm ký sinh trùng hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác khiến mèo túi đực chết sớm chưa được làm rõ. Nhóm nghiên cứu không thể tìm ra bất kỳ hội chứng di chuyển nào thúc đẩy mèo túi đực chết nhiều hơn con cái. Họ nghi ngờ nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tuổi thọ ngắn của chúng là thiếu ngủ.

Mèo túi là động vật có vú lớn nhất sử dụng chiến thuật chỉ đẻ một lần, dành tất cả năng lượng vào một mùa sinh sản. Giới nghiên cứu cũng ghi nhận hành vi này ở cá hồi Thái Bình Dương, một số loài mực và bạch tuộc, bướm, châu chấu và phù du, nhện. Ở động vật có vú, các nhà nghiên cứu phát hiện hành vi tương tự ở họ thú có túi Dasyuridae và thú opossum. Dù mèo túi đang ở tình trạng nguy cấp, nhóm nghiên cứu không tìm ra biện pháp nào để làm chậm sự sụt giảm số lượng xuất phát từ nguyên nhân sinh sản của chúng.
 

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn